Nhật Bản Today - Ðể hiểu về một Nhật Bản truyền thống phải tìm về Kyoto, một cố đô hơn 1000 năm tuổi. Có trà đạo, hoa anh đào, có samurai, geisha…
Thành phố này không có những tòa nhà chọc trời, không có những công viên giải trí hiện đại, những bãi biển cát trắng mịn màng, nhưng Kyoto hấp dẫn du khách bởi nền văn hóa truyền thống được nuôi dưỡng suốt hơn 10 thế kỷ thể hiện qua vô số những đền chùa miếu mạo và những lễ hội truyền thống.
Lâu đài Osaka
Người ta vẫn gọi Kyoto ngày nay là hiện thân của Nhật Bản cổ xưa huyền thoại với một nửa số đền chùa miếu mạo lâu đài nguy nga cổ kính ở Nhật đều tập trung ở Kyoto. Và trong số các công trình kiến trúc tôn giáo ấy có 14 đền đài nằm trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO, cùng hơn 1.700 kho báu và những tài sản văn hóa quốc gia quan trọng được chính phủ Nhật Bản phê chuẩn. Những thứ quý giá ấy đã làm nên nét quyến rũ du khách thập phương. Tuy nhiên, Osaka cũng là một cố đô trước cả Kyoto, một thủ đô thương mại lịch sử của Nhật, nơi hội tụ giữa nền văn hóa truyền thống và hiện đại.
Có lâu đài cổ Osaka tráng lệ cùng đền Taiheji. Ðây là trung tâm tài chính của Tây Nhật Bản. Trong thế kỷ 7 và 8 Osaka là hải cảng buôn bán với Trung Hoa. Người thống nhất đất nước Toyotomi Hideyoshi (1537-1589) xây dựng lâu đài Osaka làm tổng hành dinh của mình trong năm 1583. Osaka mang di tích của một cố đô Naniwakyo, nhà dựng nhiều tầng thượng thu hạ thách mái đao cong lợp ngói xanh xám, có thành lũy xếp bằng đá phiến với hào rộng nước bao quanh kiên cố và vững chãi.
Trở lại với Kyoto. Trước khi đến với chùa Nara Todai người ta phải đi qua Công viên Deer Park có rất nhiều hươu. Từng bầy hươu chăn thả tự do lông mượt vàng đôi mắt trong veo không thơ ngây mà khôn như cáo cứ xoắn suýt với người lẽo đẽo theo chừng nào chúng chưa nhận được chút “quà” gì đó từ con người… ban tặng. Chúng làm những cử chỉ thân thiện như liếm tay bạn, dụi đầu vào ống quần và vạt áo khoác làm bạn ngã lòng.
Phố lẩu Sumo
Nara Todai còn gọi là Todai-ji, là ngôi cổ tự lớn nhất thế giới. Todai-ji (Ðông Ðại Tự) vốn là một tu viện nổi tiếng của Nhật Bản tọa lạc tại thành phố Nara. Tu viện có một ngôi chánh điện bằng gỗ có bức tượng Tỳ Lô Giá Na Phật lớn gấp hai người thật đúc bằng đồng đặt ở vị trí trung tâm. Tu viện một thời là đại bản doanh của trường phái Kegon (Hoa Nghiêm) ra đời vào thế kỷ thứ 8. Chùa được UNESCO xếp hạng Di sản Văn hóa thế giới, bởi nhẽ đây là công trình lịch sử của Vương quốc cổ Nara. Bức tường bao quanh ngôi chùa có hai cổng lớn được tái thiết vào năm 1199 với 18 cây cột mỗi cột cao 21 mét.
Người Nhật Bản mỗi lần lên chùa chiêm bái lễ Phật đều muốn vặn mình chui qua những cái hốc của một trong những cây cột này bởi tin rằng làm được như thế thì họ sẽ giành được một chỗ trên thiên giới. Rất nhiều công trình kiến trúc tích hợp trong khuôn viên tu viện cùng tạo nên những đường nét thẩm mỹ độc đáo mà nổi bật nhất là cách thiết kế khu vườn. Lối kiến trúc sân vườn hiện nay có thể xem là bắt chước theo ý tưởng của Todai-ji. Một trong những nguyên do làm cho ngôi chùa nổi tiếng là vị trí tọa lạc. Nara là trung tâm một vương quốc cổ một thời thịnh vượng, là trung tâm của nền văn minh đầu tiên của người Nhật. Tổng diện tích các khu chùa ở Nara khoảng 526 ha với những rừng cây cổ thụ có cây “lão” tới 550 năm tuổi cùng nhiều suối nước tự nhiên, trong đó nuôi dưỡng loài hươu thiêng của người Nhật. Tất cả đều được giữ gìn cẩn trọng suốt 13 thế kỷ qua như giữ những điểm son chói sáng trong lịch sử văn hóa Nhật.
Thứ đến có ngôi chùa Kinkakuji thường được mệnh danh là Tây kinh ở nước Nhật. Ðiều đặc biệt ở ngôi chùa là nó được mạ vàng nên còn được gọi là chùa Vàng. Xây dựng từ thế kỷ 14 đến nay chùa Vàng trở thành một trong những thắng địa nổi tiếng nhất xứ sở hoa anh đào. Quần thể chùa được xây vào năm 1393 và dùng làm nơi nghỉ ngơi cho tướng quân Yoshimitsu Ashikaga (1358 – 1408). Chùa Vàng nổi tiếng tới mức được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy ở các trường học trên khắp nước Nhật và được UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên từ năm 1950 chùa Vàng không còn được chính phủ Nhật công nhận là quốc bảo nữa. Lý do thật chua xót là vào năm đó một tiểu tăng đã đốt cháy toàn bộ chùa cùng với 6 di sản văn hóa quan trọng trong chùa. Năm 1955 chùa mới được xây dựng lại. Vẻ đẹp của khu chùa khiến người ta khó có thể hình dung ra được thời kỳ mà vị tướng quân Yoshimitsu Ashikaga về ở ẩn. Ðất nước thời ấy đang lúc rối ren và người dân Kyoto phải chịu nhiều khổ ải do nạn đói và bệnh dịch mà số người chết có lúc lên tới 1.000 người một ngày. Diện mạo của chùa Vàng hiện nay có từ năm 1955 và được dát lại vàng trong lần tu phụng vào năm 1987.
Lẩu Sumo
Nét đặc trưng nhất về sự tinh xảo và cầu kỳ của chùa Vàng chính là vị thế rất ấn tượng, nó vàng óng ngời sáng lên giữa những tán cây xanh ngăn ngắt, và ánh sáng tinh khiết phản chiếu lung linh từ hồ nước tĩnh lặng mà người ta gọi là hồ gương. Bức tranh kỳ ảo ấy được vẽ nên từ ý tưởng về sự tồn tại giữa chốn thiên đường và trần thế. Sự hài hòa của ngôi chùa cùng với bóng nước hư thực làm nên một Kinkaku viễn cảnh nổi tiếng nhất của Kyoto. Một điểm nhấn biểu trưng cho uy thế và quyền lực của vị tướng là trần thứ ba của chùa được bọc bởi các lá vàng mỏng. Ngày nay thì toàn bộ ngôi chùa ngoại trừ tầng trệt đều được bọc bằng những lá vàng nguyên chất khiến ngôi chùa có giá trị vô cùng lớn. Chùa Vàng cũng chính là một biểu tượng có giá trị về tinh thần đã từng là một Shariden (đền xá lỵ) di tích của Phật giáo.
Cách chùa Vàng không xa có Chùa Thanh Thủy Kymiomizu Dera. Chùa Thanh Thủy là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở cố đô Kyoto, vì ngôi chùa này là một trong số ít những ngôi chùa còn lại của kinh đô Bình An trước khi rời về đây. Chùa Thanh Thủy với bốn mùa hoa tuyết, chánh điện vũ đại hùng vĩ trang nghiêm, khí thế phi phàm của cổng nhơn vương chu hồng tử sắc cùng nước suối ngọt ngào uống vào có công năng dược trị liệu. Tháp âm vũ ngày đêm tuôn chảy như đem vận may đến cho tất cả mọi người. Chùa Thanh Thủy xứng danh là danh lam phạm vũ đồng thời là trung tâm tín ngưỡng của người dân Nhật đất cố đô. Phong cảnh chùa đã đẹp kiến trúc chùa lại không kém phần đặc biệt.
Chính điện chùa Thanh Thủy được dựng trên vách núi, mặt tiền của chính điện được dựng trên một đài cao làm bằng 139 cây cột gỗ to cao 12 mét dùng kết cấu dường cột giao nhau tạo thành mặt tiền như một khán đài thành thế “tựa sơn diện thủy” khí thế rất là hùng vĩ. Tất cả quần thể kiến trúc kết lại với nhau được dùng mộng cá không đóng một cây đinh. Ở Kiyomizu Dera có hai hòn đá được đặt tên “Ðá tình yêu”, tương truyền nếu nhắm mắt đi từ hòn đá này chạm được đến hòn đá kia sẽ có thể tìm được tình yêu. Kiyomizu Dera được bao quanh bởi vô số cây maple và anh đào. Khu chùa đẹp nhất vào mùa xuân khi hoa anh đào nở rộ và mùa thu khi lá maple chuyển sang màu đỏ. Trong khuôn viên chùa còn có suối nước Otowa với ba dòng: Trường thọ, Ðỗ đạt và Hạnh phúc. Bạn có thể uống nước của một trong ba dòng nhưng không nên uống của cả ba vì sẽ bị coi là tham lam. Sẽ chẳng được gì mà còn bị thần linh “nghĩ xấu”.
Tác giả và GEISHA SAYURI NITTA
Ðường lên chùa Thanh Thủy là một con phố cổ Gion sầm uất dài 1km với hàng ngàn món đồ lưu niệm đặc sắc Nhật Bản như hàng dệt thêu, kimono, đồ gốm sứ, đồ gỗ tiện nhỏ, những chuỗi dây chuỗi hạt cườm có treo những tượng cô gái Nhật nhỏ xinh để treo nơi bàn viết, trong xe con hoặc treo chìa khóa cùng điện thoại cầm tay bắt mắt kỷ niệm cho ai đó ít tiền thôi nhưng độc đáo hay hay. Bánh kẹo, hoa quả và các loại trà Nhật Bản rất sẵn, lúc nào cũng đông nghịt khách xem mua. Nơi đây có nhiều trà quán, thư quán để mọi người có thể trải nghiệm trà đạo hoặc viết những điều ước cũng như ký lưu bút. Tôi cầm trên tay và đang ngắm nghía một bức tượng một geisha nhỏ xinh trang phục lộng lẫy tạc từ gỗ cây ngân hạnh, thì như có một hơi thở nóng ấm nồng nàn phả vào một bên má. Quay lại, thật bất ngờ đó là một geisha đích thực. Cô cúi đầu thi lễ theo phong cách Nhật Bản. Tôi lặp lại chào cô theo cùng dáng điệu ấy. Cô bày tỏ cảm kích thấy tôi thích thú và nâng niu bức tượng geisha. Cô tên là Sayuri Nitta.
Vậy là trùng tên nhân vật chính trong bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Rob Marshall “Memori of A Geisha” (Hồi ức của Geisha) năm 1997 đã giành 2 giải Academy Award và Grammy. Rob Marshall đã chọn chùa Thanh Thủy làm bối cảnh cho một trường đoạn phim với hai diễn viên nổi tiếng Chương Tử Di và Củng Lợi. Sayuri Nitta giới thiệu tôi gặp cả nhóm geisha đi cùng cô, vui lòng cho phép chụp ảnh lưu niệm cùng cô tại một thỉnh nguyện quán nơi đã ghi hình “Hồi ức của Geisha”. Sayuri Nitta thật xinh, cử chỉ thanh thoát mảnh mai gợi tình nhất là khi cô mỉm cười nửa miệng với đôi mắt khép hờ. Cô ép sát bên tôi theo cái cách như nữ nhi muốn được nam nhi che chở.
Geisha tiếng Nhật là nghệ giả. Nghệ giả nghĩa đen là con người của nghệ thuật, là nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện, là một nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản. Thời thế kỷ 18-19 đã có rất nhiều geisha. Có nhiều nhầm lẫn đặc biệt là ở bên ngoài Nhật Bản về bản chất của nghề geisha coi đây là một hình thức mại dâm bị bóp méo mặc dù nhiệm vụ geisha thường bao gồm tán tỉnh và đùa cợt khêu gợi tuy được mã hóa theo các cách truyền thống nhưng họ không bao giờ có quan hệ tình dục với khách hàng. Văn hóa Bushido (võ sĩ đạo) đã góp phần ra đời cho văn hóa geisha. Võ sĩ đạo là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ với một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ samurai phải tuân theo: ngay thẳng - quang minh - chính đại - cao thượng - nghĩa hiệp.
Tác giả và bà chủ quán lẩu CHIYO
Là tầng lớp quý tộc Nhật Bản, các samurai sống rất có văn hóa lấy ca múa nhã nhạc thi pháp làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hóa lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ. Nhu cầu giải trí tao nhã ấy dẫn tới sự ra đời của geisha. Geisha sử dụng kỹ năng nghệ thuật truyền thống Nhật Bản trong đó có âm nhạc, múa và kể chuyện. Thế giới thanh lịch và văn hóa cao thì các geisha là một phần trong đó được gọi là karyukai có nghĩa “hoa liễu giới”. Hiện nay những người phụ nữ trẻ muốn được trở thành geisha thường bắt đầu đợt đào tạo sau khi đã hoàn thành trung học cơ sở thậm chí trung học phổ thông hoặc đại học. Geisha được học chơi những nhạc cụ truyền thống như shamisen, shakuhachi (sáo trúc) và trống, cũng như những bài hát truyền thống, múa cổ điển Nhật, trà đạo, ikebana (cắm hoa Nhật), văn học và thơ ca. Thời gian làm việc của geisha được đo theo thời gian một cây hương cháy hết gọi là shenkodai (tuyến hương đại) hoặc gyokudai (ngọc đại).
Vào năm 1920 Nhật Bản có trên 80.000 geisha. Nhưng ngày nay chỉ còn dưới 1.000 nên hiếm khi người ta nhìn thấy geisha.
Món lẩu “huyền bí” của võ sĩ sumo
Vâng. Trưa cái hôm sau khi thăm chùa Thanh Thủy tôi đã đến ăn bữa trưa muộn ở một con phố nhỏ ở Kyoto chuyên nấu món “lẩu sumo” dành cho bữa ăn của các võ sĩ sumo. Món lẩu huyền bí nuôi các võ sĩ lên cân rất nhanh để trở thành bục bịch như một khối thịt trên dưới 200 kg. Quán ăn trang trí rất lạ lùng là treo rất nhiều tranh vẽ chân dung các sumo nổi tiếng bên cạnh là dấu điểm chỉ cả bàn tay to bè màu son đỏ chói cộng chữ ký của họ. Có lẽ muốn minh chứng rằng các võ sĩ sumo đã ăn ở đây món lẩu huyền bí này. Bà chủ quán tên Chiyo thấy tôi vào quán mừng rỡ ôm chầm lấy tôi nơi vòng 2, yêu cầu được chụp một bức ảnh. Lạ lùng, nhưng rồi cũng hiểu, là bà nhận ra cái bụng của tôi “phổng” như của một sumo tập sự. Bà nói rằng tôi ở đây với bà hai tháng dùng thứ lẩu quán bà nấu sẽ nhanh chóng đạt chuẩn… bụng của sumo Nhật Bản. Câu nói của bà làm thực khách được một trận cười tơi tả.
Võ sĩ Sumo có ngoại hình đặc trưng là búi tóc nhỏ trên gần đỉnh đầu và có thân hình đồ sộ. Nhiều đô vật có thể ăn 5 kg thịt 10 tô cơm mỗi bữa. Họ phải cố gắng đưa càng nhiều thức ăn vào bụng càng tốt cho tới khi nào “phổng phao” lên. Akenobo sinh ra tại Hawaii là người nước ngoài đầu tiên trở thành nhà vô địch, nặng 220kg. Có Sumo nặng nhất nặng tới 270 kg. Chế độ luyện tập khá hà khắc và kỷ luật mang đến cho họ một cơ thể rắn chắc. Sự lặp lại liên tục các bài học có vẻ hơi tàn nhẫn nhưng lại tạo nên khả năng chịu đựng về tinh thần cũng như thể chất. Với khoảng 70 đòn đánh một Sumo có thể đẩy, tát, thậm chí ngáng chân đối phương nhưng không bao giờ được đá hoặc tấn công đối phương với bàn tay nắm lại. Những sumo có thân hình đồ sộ là thế nhưng với nhiều phụ nữ Nhật Bản họ không thiếu đi sự hấp dẫn. Sự cuồng nhiệt của các fan gái với võ sĩ sumo không khác gì những siêu sao bóng đá đẹp trai.
Xem các võ sĩ sumo va chạm và quần nhau vật nhau quanh vòng tròn thi đấu nhiều người vẫn tự hỏi điều gì giúp họ trở nên to lớn và nhanh nhẹn đến vậy? Câu trả lời là tập luyện và chế độ ăn uống. Việc nạp năng lượng hằng ngày của võ sĩ sumo tới 8.000 kilo calo. Con số này cao gấp nhiều lần so với một người đàn ông Nhật Bản trung bình. Ăn càng nhiều càng tốt. Một bữa ăn “chuẩn mực” cho võ sĩ sumo - thuật ngữ chung này xuất phát từ từ Chankonabe - một món hầm. Thực ra món Chanconabe được chế biến từ nhiều nguyên liệu. Nhiều loại thịt khác nhau cùng rau và cá được nấu chung trong nồi nước luộc thịt gà. Chanconabe rất nhiều protein và thường được bày ra số lượng lớn cùng với các món ăn phụ khác. Matsuda kể món Chanconabe có từ thời kỳ Meiji (1868 -1912). Ðây là món dễ chế biến phục vụ cho khối lượng lớn võ sĩ sumo cùng lúc.
Võ sĩ sumo người Mông Cổ Hakuho 24 tuổi đã đạt tới đẳng cấp cao nhất trong môn võ này ở Nhật Bản. Bí quyết thành công của anh thật đơn giản như anh khiêm tốn bày tỏ, là “tập luyện chăm chỉ, ăn nhiều và ngủ nhiều”. Họ ở trần ngồi bệt bên bàn ăn và thưởng thức tất cả mọi món ăn được bày lên bàn. Các võ sĩ ăn cho tới khi không thể ăn được nữa mới thôi. Ngay sau bữa ăn đầu tiên vào lúc 11 giờ sáng (sau buổi tập) võ sĩ sumo trở về phòng ngủ ngủ một giấc dài. Tất cả thức ăn được chuyển hóa thành mỡ dự trữ sau đó đến 18 hoặc 19 giờ chiều lại ngồi vào bàn ăn bữa tối. Vậy là món “hầm hổ lốn” Chanconabe mà bà Chiyo gọi là “lẩu sumo” chả có gì là huyền bí rốt cuộc chỉ là ăn nhiều ngủ nhiều. Tôi nói với bà Chiyo, rằng bức ảnh bà chụp với tôi nên treo ở phòng ăn này, và nếu đấu giá được giá hời phải chia đều 50 / 50 nhá. Bà cười hứa, và yêu cầu tôi đặt bàn tay vào nghiên son lấy mực điểm chỉ vào một tờ giấy tàu bạch ký tên bằng bút dạ phớt. Chiyo cười hi hi sau khi tôi hoàn thành công việc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét