Nhật Bản Today - Đối với lớp người trẻ hiện đại trong cuộc sống ngập tràn các món ngon vật lạ, thức ăn nhanh tiện dụng thì có vẻ món đậu hũ mang một nét gì đó rẻ tiền, nhạt thếch và chán phèo. Một món ăn mà chỉ được nghía đến trong những dịp mùng Một và ngày Rằm. Tuy nhiên chỉ một hai năm gần trở lại đây, món ăn này đã được nhìn dưới ánh mắt khác.
Sứ giả dinh dưỡng
Hiện nay, hiện tượng béo phì, thừa cholesterol khiến cho không ít người lo lắng, các khẩu phần được chấn chỉnh lại hợp lý hơn với tiêu chí "thêm rau, giảm thịt và nói không với mỡ béo". Đồng thời, phong trào yoga và ăn uống dinh dưỡng bảo vệ cơ thể đang thu hút sự quan tâm từ nhiều giới. Đậu hũ bỗng có dịp tìm lại ngôi thứ của mình trong danh sách những thực phẩm có nhiều ích lợi.
Ra đời từ rất lâu tại Nhật Bản, đậu hũ nhanh chóng được truyền bá đến Trung Quốc, Hàn Quốc… và Việt Nam. Được làm từ đậu nành, nên đậu hũ có nhiều dưỡng chất, như phong phú về protêin, muối khoáng, tinh bột…, ít béo, không cholesterol. Đậu hũ cho vị ngon thanh mát, mềm mại và dễ chịu. Khi ăn không gây cảm giác ngán ngấy, dễ tiêu hoá nên thích hợp với mọi người, mọi lứa tuổi kỹ năng mềm cho người Việt
Truyền thống & hiện đại
Miếng đậu hũ truyền thống ra đời qua biết bao nhiêu công đoạn và tốn rất nhiều sức lực của người làm. Đậu phải ngâm nở mềm, xay nhuyễn mịn, nấu thành sữa đậu nành, sau đó trộn với muối hay giấm tuỳ theo cách làm rồi cho vào khuôn có lót vải, ép cho ráo nước để đậu hũ thành hình. Vất vả là thế nhưng đậu hũ vẫn là một món ăn với giá rẻ. Thời hiện đại hoá, miếng đậu hũ bắt đầu được sản xuất bằng máy móc hiện đại, đóng vào hộp hay đóng thành cây tròn và được xuất hiện chễm chệ trên các quầy hàng trong siêu thị.
Món ngon từ đậu hũ
Đậu hũ sẽ không còn nhạt thếch và chán phèo nếu như bạn biết cách chế biến. Tùy theo món ăn mà có cách chế biến và những tuyệt chiêu riêng.
Đậu hũ thường ngon nhất là chiên trong chảo dầu nóng già cho đến khi vừa vàng mặt. Lớp vỏ bên ngoài giòn nhẹ, dai dai nhưng bên trong vẫn tươi nguyên vị đậu hũ thanh tao. Tuỳ thích kết hợp với sả ớt để thành món đậu hũ muối sả hay các loại xốt hấp dẫn như xốt chua ngọt. Hoặc nhồi nhân vào đậu hũ, chiên lên, xốt cà là có ngay một món mặn dùng kèm với cơm. Nhiều người còn dùng chúng để kho với nấm rơm, nấu canh hay cho vào các món mì, hủ tiếu. Nhất là trong các món chay, đậu hũ luôn chiếm vị trí quan trọng và không thể thiếu.
Bên cạnh đó, loại đậu hũ non, đậu hũ trứng mềm mịn đang là "con cưng" của các vị bếp trưởng để họ sáng chế thành các món ăn lạ miệng. Miếng đậu hũ non mềm thật mềm được "mặc áo" với một lớp bột mỏng tang, thả vào chảo dầu chiên vàng trong tích tắc, vớt ra ngay. Không cần cầu kỳ, chỉ cần chấm với ít muối tiêu nước tương hay tương ớt, ăn ngay. Cắn vỡ lớp áo ngoài giòn ruộm bên ngoài, thì khối đậu hũ non mềm bên trong như chực chờ tan ngay trong vòm miệng, thanh thoát lạ lùng. Nhưng có người bảo, đậu hũ non ngon nhất là phải dùng để nấu canh hay cho vào nước dùng lẩu. Khi ấy, thưởng thức một miếng đậu hũ sẽ mang đến cho người ăn một cảm giác êm đềm, khác lạ và tương phản hoàn toàn so với cảm giác giòn ngọt khi ăn rau, dai dai vị thịt hay ngọt lừ hải sản. Vì vậy chẳng trách sao mà đĩa đậu hũ vừa cho vào nồi lẩu nghi ngút luôn bị "mất tích" một cách nhanh chóng. Chưa hết, nhiều người còn sáng tạo ra món tráng miệng hấp dẫn từ miếng đậu hũ non. Khi không tìm được chén đậu hũ nước đường "chính hiệu", họ liền mua ngay một hộp đậu hũ non về, sau đó thái lát mỏng hay khối vuông, rồi cũng nấu nước đường và gừng sóng sánh, rưới lên rồi ăn ngon lành.
Đậu hũ là món lành tính và "dễ chịu". Khéo léo một chút, sáng tạo một chút là bạn đã có thể tạo ra một món ăn ngon và mới lạ từ khai vị, món chính cho đến tráng miệng với thành phần chính là đậu hũ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét